Đồng Nai: Tín dụng CSXH là giải pháp quan trọng trong việc giảm nghèo của tỉnh

Theo báo cáo, Đồng Nai hiện có chất lượng tín dụng chính sách luôn duy trì và đảm bảo với tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của tỉnh ở mức dưới 0,2% và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước…

Đồng chí Nguyễn Bá Chuyên Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Đồng Nai.

Kết quả tích cực này có được do tỉnh đã chủ động thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH) (Chỉ thị số 40).

Ngày 19/7, tại Hội trường Tỉnh ủy Đồng Nai, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40. Hội nghị tập trung đánh giá quá trình thực hiện Chỉ thị số 40 và những ưu – nhược điểm trong triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40.

Ngay khi Chỉ thị số 40 được ban hành, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có các văn bản cụ thể hóa chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện. UBND các huyện, thành phố cũng ban hành các văn bản triển khai Chỉ thị số 40 đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Các đại biểu từ các ban ngành của tỉnh có mặt tại Hội nghị tổng kết sáng 19/7.

Kết quả sau 10 năm, hiện 99,9% số vốn của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai quản lý được ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể để trực tiếp cho đoàn viên, hội viên vay. Hệ thống các tổ chức hội, đoàn thể này có mặt ở từng khu dân cư. Do vậy, việc xác minh thông tin thực tế từng hộ vay, quá trình sử dụng vốn diễn ra chặt chẽ.

Theo báo cáo của đại diện Sở LĐ – TBXH, chính nhờ sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ này mà 10 năm qua, thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh góp phần cho nhiều gia đình khó khăn được tiếp cận với các Chương trình giảm nghèo, đặc biệt Chương trình cho vay vốn tín dụng từ Ngân hàng CSXH, toàn tỉnh đã giải quyết cho 72.047 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay mới với số tiền 2.145.534 triệu đồng và 110.886 lượt người lao động vay vốn giải quyết việc làm với số tiền trên 4.780.552 triệu đồng, việc thu hồi vốn đảm bảo theo quy định, tỷ lệ nợ xấu trong phạm vi cho phép.

Từ hoạt động vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với thủ tục đơn giản, mức vay và phương thức trả nợ phù hợp, lãi suất ưu đãi, thời gian dài, người nghèo và các đối tượng chính sách đã dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, sử dụng vốn có trách nhiệm, trả nợ đúng hạn, tạo được việc làm, tăng thu nhập, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua thống kê cho thấy chương trình vay vốn giảm nghèo và giải quyết việc làm đã giúp trên 80% các hộ vay vốn thoát nghèo, cụ thể: Trong giai đoạn 2014 – 2024, toàn tỉnh giảm được 26.858 lượt hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 2,89% cuối năm 2014 áp dụng đầu năm 2015, xuống còn 0,68% đầu năm 2024, bình quân hằng năm giảm 0,289%. Tỷ lệ hộ cận nghèo từ 1,12 % cuối năm 2014 áp dụng đầu năm 2015, xuống còn 0,76% đầu năm 2024, bình quân hằng năm giảm 0,04% hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo hàng năm và giai đoạn mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao thực hiện.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai thực hiện tốt chính sách phục hồi sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kết quả đã cho 62 đơn vị sử dụng lao động vay với số tiền 1.095 tỷ đồng để trả lương cho 91.095 lao động, điều này đã góp phần giúp các doanh nghiệp khắc phục hậu quả do đại dich Covid-19 gây ra, giữ chân người lao động và tổ chức phục hồi sản xuất, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và phục hồi kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của tỉnh Đồng Nai.

Việc triển khai tín dụng ưu đãi để thực hiện chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm là thật sự cần thiết và mang tính nhân văn sâu sắc, tạo sự phấn khởi trong nhân dân, được xã hội đồng tình ủng hộ, góp phần giúp cho các hộ nghèo có điều kiện cải thiện sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững.

Việc sử dụng, phân bổ vốn vay kịp thời, đúng đối tượng tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện cuộc sống của người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt góp phần vào việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.

Qua đó góp phần tích cực trong việc tỉnh Đồng Nai thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, đến 30/4/2024 toàn tỉnh có 11/11 đơn vị cấp huyện và 120/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 huyện và 105 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40, thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng CSXH theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng CSXH; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách đến nhân dân.

Thanh Phong