Ngày 22/10, tỉnh Đồng Nai đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023 – 2025. Sau sắp xếp, tỉnh Đồng Nai sẽ giảm 11 đơn vị hành chính cấp xã, từ 170 xã, phường, thị trấn xuống còn 159.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, tỉnh Đồng Nai rà soát không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp; có 4 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp tại 4 huyện, thành phố, gồm: Huyện Tân Phú, huyện Vĩnh Cửu, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa.
Với sự chủ động, quyết tâm chính trị, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương, tỉnh Đồng Nai đã đưa vào Đề án sắp xếp 22 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 4 đơn vị thuộc diện sắp xếp và 18 đơn vị khuyến khích sắp xếp, giảm được 11 đơn vị hành chính cấp xã.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức phát biểu tại buổi Lễ công bố.
Ngày 28/9, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025 và đã ban hành Nghị quyết số 1194/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025.
Nội dung nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2024. Theo đó, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Đồng Nai có 159 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 117 xã, 33 phường và 9 thị trấn, giảm 11 đơn vị hành chính cấp xã so với trước thời điểm sắp xếp.
Tại buổi lễ công bố, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các cấp các ngành quan tâm tới việc bố trí vị trí việc làm, tinh giản biên chế và việc giải quyết các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp, sáp nhập.
Các đại biểu đến tham dự hội nghị.
Chống chạy chức, tham những, tiêu cực và không để phát sinh đơn thư tố cáo, khiếu nại liên quan đến công tác cán bộ. Đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Việc sử dụng, bảo quản tài liệu, sổ sách tài chính, kế toán, hồ sơ lưu trữ đúng quy định, không được làm mất, thất lạc tài liệu khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp tiến hành giao dịch ở các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp, chuyển đổi các loại giấy tờ cho nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Các đại biểu đến tham dự hội nghị.
Cụ thể đề án:
Theo đề án, đối với TP Biên Hòa, nhập toàn bộ phường Hòa Bình và điều chỉnh một phần phường Tân Phong để nhập vào phường Quang Vinh; nhập toàn bộ phường Thanh Bình, toàn bộ phường Quyết Thắng và điều chỉnh một phần phường Tân Phong để nhập vào phường Trung Dũng; nhập toàn bộ phường Tân Tiến vào phường Tân Mai; Nhập toàn bộ phường Tam Hòa vào phường Bình Đa.
Sau khi sắp xếp, TP Biên Hòa có 25 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 phường và 1 xã.
Đối với TP Long Khánh, nhập toàn bộ phường Xuân Trung và toàn bộ phường Xuân Thanh vào phường Xuân An. Sau khi sắp xếp, TP Long Khánh có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 phường và 4 xã.
Đối với huyện Tân Phú, nhập toàn bộ xã Phú Trung vào xã Phú Sơn. Điều chỉnh một phần xã Núi Tượng để nhập vào xã Phú Lập. Nhập toàn bộ xã Núi Tượng sau khi điều chỉnh theo quy định vào xã Nam Cát Tiên. Sau khi sắp xếp, huyện Tân Phú có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 1 thị trấn.
Đối với huyện Vĩnh Cửu, nhập toàn bộ xã Hiếu Liêm vào xã Trị An. Nhập toàn bộ xã Bình Hòa vào xã Tân Bình. Sau khi sắp xếp, huyện Vĩnh Cửu có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 xã và 1 thị trấn.
Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 9 huyện và 2 thành phố; 159 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 117 xã, 33 phường và 9 thị trấn.
Thanh Phong